Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

6 - CỨU RÙA ĐƯỢC PHONG THẦN

6 - CỨU RÙA ĐƯỢC PHONG THẦN
 

Cứu Rùa Được Phong ThầnThời nhà Tấn, tại đất Sơn Âm, có một chành thanh niên tên là Khổng Du, nguyên là một việc quan cấp nhỏ, từng mua một con rùa đem thả dưới sông. Con rùa ấy hình như hiểu được lòng người, nên sau khi xuống nước, lại ngoái đầu nhìn chăm chăm vào Khổng Du, rồi mới lần lần bơi đi. Khổng Du cũng cảm thấy không thể rời bỏ nó. Về sau, Du đánh giặc có công, được phong hầu cực kỳ vinh hiển.
Lúc đúc chiếc ấn phong hầu, thì trên quả ấn xuất hiện hình con rùa ngoái đầu nhìn lại, mọi người đều cho là chuyện kỳ quặc, bèn phá hủy chiếc ấn ấy, rồi đúc lại chiếc khác. Đúc đi đúc lại như thế nhiều lần mà lần nào cũng có hình rùa hiện lên trên ấn. Thợ đúc kiểm tra kỹ khuôn đúc, thì chẳng thấy có dấu vết gì, nhưng trên ấn vẫn có hình rùa. Họ rất đỗi băn khoăn, liền mang ấn đến trình lên Khổng Du và thưa: "Bẩm đại quan, chúng tôi đúc xong ấn, bỗng thấy hiện lên hình rùa ngoảnh đầu nhìn lại, không hiểu tại sao?"
Khổng Du bèn bảo thợ đúc phá đi, đúc lại nhưng kết quả vẫn như trước. Khổng Du cũng lấy làm quái lạ. Chuyện ấy dần lan truyền đến triều đình, nhà vua liền mời Khổng Du vào triều để hỏi rõ nguyên nhân, nhưng Du không biết làm sao trả lời, suy nghĩ trăm chiều cũng không tìm ra được kết luận.
Thế rồi, trên đường từ triều đình trở về nhà, Khổng Du đột nhiên nhớ lại một sự kiện đã xảy ra ngày trước. Do đó, hôm sau, ông vào triều tâu với nhà vua: "Tâu đại vương, thần đã nghĩ ra nguyên nhân rồi: Trước đây nhiều năm, nhân thấy ngư phủ thả lưới bắt một con rùa, thần không nỡ thấy nó chết nên mua nó thả vào trong nước. Con rùa ấy hình như hiểu được ý người nên ngoi đầu lên mặt nước,nhìn chầm chập vào thần. Ngày nay, thần được vệ hạ đoái thương phong hầu cho thần, đó chính là do kết quả của việc thả rùa ngày trước vậy.
Vua liền bảo với quần thần: "Làm điều thiện chắc chắn có sự báo đáp của việc thiện, trường hợp của Khổng Du ngày nay là một sự kiện rất đáng cho chúng ta suy ngẫm."

5 - VÌ LÒNG NHÂN BẢO VỆ CHIM NON

5 - VÌ LÒNG NHÂN BẢO VỆ CHIM NON
Vì Lòng Nhân Bảo Vệ Chim Non
Trước đây khá lâu, có một cụ già ẩn cư nơi sơn dã, một đời ăn ở nhân từ chưa từng làm hại một con chim nào cả.
Một ngày kia, ông đang ngồi xếp bằng nhạp định dưới gốc đại thọ, bỗng cảm thấy một luồng gió thổi đến, ông lấy làm lạ, mở mắt ra xem thì thấy một con chim nhỏ từ đâu rơi vào lòng ông, thần sắc tự nhiên, tựa hồ đang đậu trên một cành cây.
Cụ già buộc miệng niệm Phật, nhủ thầm: "Mầy đã xem thân ta như cành cây, thì ta nỡ nào xua đuổi mày, A Di Đà Phật, lành thay! Lành thay!"
Sau khi ông nhủ thầm như thế thì chú chim non lặng lẽ nằm xuống, từ từ nhắm mắt ngủ. Sợ làm kinh động giấc ngủ yên lành của chim con, cụ liền nhắm mắt thiền quán, từ từ nhập định. Trải qua một lúc khá lâu, cụ mới xuất định, nhưng chú chim ấy vẫn ngủ ngon chưa tỉnh. Ông không muốn làm cho nó kinh sợ liền nói: "A Di Đà Phật, mầy cứ yên tâm mà ngủ ngon, khi nào thức giấc thì hãy bay đi".
Ông nói dứt lời, chú chim bèn mở mắt, uốn mình nhịp đôi cánh, dùng mỏ rỉa lông, gật đầu mấy cái, rồi mới chịu trương cánh bay đi. Khi ấy, cụ già liền từ từ đứng dậy, ngước trông theo chim bay xa, rồi mới rời khỏi gốc cây đại thọ, trở về lại thảo am.

4 - CỨU CHIM SẺ, ĐƯỢC VÒNG NGỌC

4 - CỨU CHIM SẺ, ĐƯỢC VÒNG NGỌC
Cứu Chim Sẻ, Được Vòng Ngọc
Vào đời Hán, ở phía Bắc núi Hoa Âm có một gia đình họ Dương, chuyên về nông nghiệp, chỉ sinh một cậu con trai, đặt tên là Dương Bảo. Cậu Bảo từ bé đã thông minh, lanh lợi, mày thanh, mắt sáng, đầu để hai bím tóc, ai trông thấy cũng yêu mến.
Dương Bảo tính tình nhân từ, vừa lúc chín tuổi đã yêu thích thắng cảnh thiên nhiên, thường lây chốn núi rừng làm bầu bạn. Một ngày kia, chàng đi đến bên triền núi phía trước nhà, bỗng nghe tiếng kêu bị thương của một con chim sẻ, ngoái đầu nhìn lên trên không, chợt thấy một chú diều hâu đang gắp một con sẻ vàng. Nhân thấy có người, nên diều hâu kinh hãi để rơi chim sẻ đang bị thương xuống đất. Trong lúc tính mạng sắp lâm nguy, chim sẻ còn bị một đàn kiến kéo đến bao vây. Dương Bảo liền chạy vội tới, nhặt lấy chim sẻ ôm vào lòng bàn tay, đàn kiến lập tức bỏ chạy tứ tán. Bảo bèn mang chim sẻ về nhà nuôi trong một cái lồng, thương yêu, chăm sóc rất chu đáo. Tìm hoa vàng rịt vết thương cho chim, chờ đến khi vết thương lành hẳn, mới đem thả vào rừng.
Một hôm, vào lúc đêm gần tàn, Bảo bỗng mơ thấy một tiểu đồng mặc áo màu vàng hướng đến Bảo lạy tạ, cảm ơn cứu mạng; đồng thời dâng tặng bốn vòng bạch ngọc và nói: "Cảm tạ ân nhân! Tôi vốn là sứ giả của Vương mẫu, nhờ ơn người cứu mạng, không biết lấy gì báo đáp ân sâu, kính tặng người bốn vòng bạch ngọc, cầu mong con cháu được vinh hiển, làm đến công khanh".
Ban đầu Bảo không dám nhận tặng vật của tiểu đồng, nhưng trước tấm lòng cực kỳ chân thành, buộc lòng Bảo phải nhận lấy ngọc ấy. Thoắt nhiên tỉnh giấc, nhớ lại giấc mộng vừa qua, Bảo lấy làm kinh dị, miệng lẩm bẩm: "Thật là một giấc mộng ly kỳ! Thật là một giấc mộng ly kỳ!"
Quả nhiên sau đó, con cháu của Dương Bảo liên tiếp bốn đời làm đến công khanh, vinh hiển tột cùng.
3 - NHỜ CỨU NAI MÀ THOÁT NẠN
Nhờ Cứu Nai Mà Thoát Nạn
Rừng núi thanh u, suối khe róc rách. Kỳ hoa dị thảo đẹp đẽ lạ thường, một ngôi nhà điểm xuyết trong khung cảnh ấy, giống như gấm dệt thêu hoa.
Một ngày kia, bầu trời quang đãng, bỗng nhiên một con nai từ đâu chạy đến trước sân nhà, dùng hai chiếc sừng xúc bỗng đứa bé đang chơi. Đứa bé hốt hoảng kêu khóc ầm lên. Một phụ nữ trung niên từ trong nhà chạy vụt ra sân. Con nai hoảng sợ, mang đứa bé chạy thẳng vào rừng. Người phụ nữ thấy thế hoảng hồn, lập tức đuổi theo con nai. Nhưng khi đến rừng bà thấy đứa trẻ bình yên vô sự, đang ngồi trên đám cỏ non. Vừa thấy mẹ đi tới, đứa bé mừng rỡ tươi cười. Người đàn bà liền đến đám cỏ bồng lấy con thơ, trong lòng bàng hoàng, không biết nên buồn hay vui.
Hai mẹ con ung dung trở về nhà thì bỗng thấy một cảnh tượng hãi hùng tột độ; vì trong khi bà đuổi theo sau con nai để cứu con mình thì một cây đại thọ sau nhà đột nhiên ngã xuống, khiến cho mái nhà vỡ tan, bức tường sụp đổ. Tất cả gà chó trong nhà đều bị cây đại thọ đè chết, không một mống nào sống thoát. Bấy giờ bà mới hồi tưởng lại năm trước, một bữa nọ có một người thợ săn đuổi một con nai, khiến nó quá kinh hãi, chạy xộc vào trong nhà bà. Bà vốn là một người phụ nữ có tấm lòng từ bi, suốt đời chưa sát hại một sanh vật nào, do đó, bèn lấy áo trùm lên mình nai. Người thợ săn liền đến bên nhà tìm kiếm, không hiểu con nai chạy theo hướng nào, tìm một hồi không thấy tung tích gì cả liền bỏ đi. Người phụ nữ đợi cho người thợ săn đi xa, gật đầu cảm tạ, biểu lộ lòng tri ân đối với từ tâm cứu mạng của bà. Ai biết đâu chính nhờ tấm lòng từ bi cứu mạng ấy mà con nai nhớ ơn tìm cách báo đáp, cứu được mẹ con bà khỏi bị cây đại thọ đè chết.
Bà hồi tưởng lại sự việc ấy, bất giác thốt lên: "Cứu mạng sống của chúng sinh chẳng khác nào tự cứu mạng mình."
2 - VUA THÀNH THANG MỞ LƯỚI CỦA THỢ SĂN
Vua Thành Thang Mở Lưới Của Thợ Săn
Ngày xưa, vua Thành Thang nhà Thương thường áp dụng một nền chính trị thân dân tốt đẹp. Mỗi năm nhà vua đi tuần thú nhiều lần để thăm hỏi dân tình, cứu giúp những người bệnh tật khổ đau, nhờ đó mà sửa đổi được phong hóa, việc chính trị càng trở nên ổn định.
Một ngày kia, gặp lúc trời quang gió thuận, chim chóc ca hót líu lo, muôn thú đùa vui hớn hở. Thành Thang đi đến một địa phương nọ, thấy một thợ săn đang chỉ huy đồng bọn đào hầm, giăng lưới, trông y có vẻ đắc chí hớn hở, đang lớn tiếng ước nguyện: "Từ trên trời đáp xuống, từ dưới đất vọt lên, từ bốn phương bay lại, đều sa vào mảng lưới của ta, không một mống nào thoát khỏi".
Vua Thành Thang vốn là một bậc minh quân nhân từ, đức độ, yêu vật, thương người, nên trông thấy hành trạng của người thợ săn ấy, trong lòng bất nhẫn, nhưng cũng không tiện ngăn chặn việc săn thú, đánh bắt chim của y. Ông vốn là một hoàng đế thông minh, trí tuệ, bèn nghĩ ra một diệu kế: đi đến chỗ ấy, cởi bỏ lưới giăng ba mặt, chỉ để lại một mặt.
Người thợ săn trông thấy thế rất ngạc nhiên, liền hỏi nhà vua vì sao lại mở ba mặt mà chừa một mặt. Nhà vua nghiêm nét mặt, đổi lời cầu ước: "Con nào muốn đi đến bên trái, thì đi đến bên trái, con nào muốn đi đến bên phải thì đi đến bên phải; con nào muốn đi lên trên thì đi lên trên; con nào muốn chui xuống dưới thì chui xuống dưới; ngoài ra, con nào không muốn sống thì cứ chui vào trong lưới của ta".
Tên thợ săn nghe nhà vua cầu mong như thế rất cảm động. Mẩu chuyện đẹp này chẳng bao lâu lan truyền đi khắp nơi, khiến cho lòng người cảm phục, tin tưởng, ở đâu cũng quay về quy phục nhà vua.
1 - VƯỢN SẦU RƠI LỆ
Vượn Sầu Rơi Lệ
Vào một buổi chiều xuân, một đội kỵ binh mặc áo giáp trụ rực rỡ, chạy nhanh như điện chớp, vượt qua quãng rừng hoang. Ở phía sau đoàn kỵ binh có mấy người mang kiếm theo hầu một vị đại tướng. Đàng sau vị đại tướng lại có một chiếc xe song mã đường đường lộng lẫy; người ngồi trong xe ấy là một bậc quân vương đương thời - Sở Trang Vương.
Cứ mỗi năm một lần, nhà vua xuất cung đi săn bắn cho khuây khỏa nỗi u buồn nơi chốn hoàng cung.
Sở Trung Vương có một viện đại tướng là Dưỡng Do Cơ. Kỹ thuật bắn cung của ông cực kỳ điêu luyện, trăm phát trăm trúng, nên rất được vua Sở thương yêu và tin tưởng. Khi đoàn săn bắn vào rừng, lùng sục khắp nơi, thì nai dê, chồn thỏ bỏ chạy tứ tán. Tại giữa rừng sâu có một cây cổ thụ cao vút tận trời xanh. Trên cây có một con vượn già đang vui đùa chuyền từ cành này sang cành khác. Sở Vương lập tức ra lệnh cho Dưỡng Do Cơ hạ ngay con vượn ấy.
Dường như con vượn ấy hiểu được tiếng người, trông thấy Dưỡng Do Cơ đột nhiên phi ngựa tới, nó bèn lấy tay che má mà khóc, nước mắt chảy ròng ròng, kêu la rất bi thảm. Sở Vương liền ra lệnh cho Do Cơ ngưng bắn và hỏi ông: "Vì lẽ gì mà vượn già che mặt khóc?"
Do Cơ liền tâu với nhà vua: "Tâu đại vương, giống vượn này có tay dài, rất tinh khôn, có thể thu hút được khí thiêng của trời đất, nó biết thần có tài thiện xạ, hễ mũi tên buông ra là trúng ngay mục tiêu, nó nghĩ không thể nào tránh được lằn tên cực mạnh của thần, chắc chắn phải chết, nên mới che mặt mà khóc.
Sở Vương buông tiếng thở dài, cảm kích vô vàn, lòng từ bi bỗng dưng phát sinh, lập tức ra lệnh cho thuộc hạ đình cuộc săn bắn, rồi trở về hoàng cung. Từ ấy, Sở Vương rất nhân từ, vì thế, người người đều ca ngợi nhà vua là vì vua nhân từ.






Lời Giới Thiệu
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó mà đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân.
Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
Tập truyện cổ này do Pháp sư Tịnh Không sưu tập bằng Hoa văn. Sau một thời gian đọc và thấy nội dung mang những đức tính cao cả và đầy nhân tính qua các nhân vật và sự kiện trong toàn bộ 100 mẫu chuyện. Do nguyên tác bằng Hoa văn nên có thể trở ngại cho một số người Việt chưa biết tiếng Hoa, cho nên chúng tôi cho chuyển dịch ra Việt văn ngõ hầu đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc hoằng hóa lợi sanh.
Trong quá trình biên dịch chắc không tránh khỏi những thiếu sót mong các bậc thức giả góp ý kiến cho, xin thành thật cảm ơn.
THÍCH PHƯỚC SƠN